Lượt xem: 2320

Hiệu quả của biện pháp bao trái vú sữa bằng túi nylon

Huyện Kế Sách có diện tích trồng vú sữa hơn 1.800 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh, Phong Nẫm. Diện tích cho trái khoảng 1.600 ha, sản lượng 48.000 tấn/năm; trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP 73 ha; đã đăng ký 16 mã số vùng với diện tích 114,29 ha tại các vùng trồng vú sữa tập trung. Trong niên vụ 2018 - 2019 và 2019 - 2020 có gần 100 tấn vú sữa được xuất sang thị trường Hoa Kỳ; riêng trái vú sữa tím của huyện Kế Sách được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

    Hiện nay, trên địa bàn huyện Kế Sách, ruồi (giòi) đục trái gây hại rất nghiêm trọng tại các vùng trồng cây ăn trái nói chung, trái vú sữa nói riêng. Ruồi đục trái là đối tượng gây hại quan trọng làm giảm năng suất và chất lượng trái vú sữa; nông dân tốn rất nhiều chi phí để phòng trừ chúng. Khi nông dân áp dụng biện pháp phun thuốc hóa học để trừ ruồi đục trái thì phải phun định kỳ nên ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

    Đối với thị trường Hoa Kỳ nói riêng, thị trường nhập khẩu của thế giới nói chung, để trái vú sữa được cho phép nhập khẩu thì ngoài các tiêu chuẩn về trọng lượng, chất lượng, mẫu mã, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, quy cách đóng gói, được cấp mã số vùng… trái còn phải bảo đảm tuyệt đối không có đối tượng kiểm dịch thực vật, đặc biệt là ruồi (giòi) đục trái cây.


Dụng cụ bao trái vú sữa. Ảnh Bá Quan

    Để đáp ứng tiêu chuẩn rất khắt khe của thị trường Hoa Kỳ, thời gian qua nhà vườn đã sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời áp dụng biện pháp bao trái để trái không bị nhiễm ruồi đục trái và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trên vú sữa, ruồi đục trái hầu hết chỉ tấn công khi trái chuẩn bị vào giai đoạn chín, biện pháp bao trái hiện đang được nhiều nông dân áp dụng, do dễ thực hiện và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ruồi thường gây hại khi trái gần chín đến thu hoạch, có đường kính từ 6,5 – 7,0cm, chúng thường đục vào phần cuối trái, có thể đây là vị trí tập trung nhiều dinh dưỡng và chín sớm nên là vị trí chính ruồi tấn công. Trái bị ruồi gây hại thường có 2 biểu hiện: Xì mủ và không xì mủ.

    - Vết đục xì mủ: Thường không phát hiện thấy trứng đẻ bên trong. Có thể ruồi đục thăm dò tìm chỗ thích hợp để đẻ trứng, trong trường hợp vị trí này không thích hợp cho đẻ trứng thì ruồi đi tìm chỗ khác, làm cho chỗ đó thường bị xì mủ ra bên ngoài.

    - Vết đục không bị xì mủ: Phát hiện thấy trứng nằm dưới những vết đục này, trứng được đẻ thành chùm, có thể ruồi đã tiết ra một chất nào đó để hạn chế mủ tiết ra nhằm giúp cho trứng không bị tác động bởi chất mủ của vỏ trái. Khi trái chín thì vết đục thường bị chảy nước, chỗ vết đục thường xuất hiện những vết thâm và mềm nhũng do ấu trùng nở ra ăn, bên trong và trái bị bội nhiễm bởi các vi sinh vật khác. Tuy nhiên, khi trái chưa chín rất khó phát hiện vết đục nên việc loại bỏ trái bị nhiễm ruồi trước khi đóng gói xuất khẩu không đạt yêu cầu. Ruồi đục trái cây không chỉ làm thất thu năng suất cây trồng, tăng chi phí phòng trừ, mà còn làm gia tăng chi phí cho xuất khẩu, do phải xử lý trái sau khi thu hoạch do ruồi đục trái là đối tượng kiểm dịch thực vật rất gắt gao, khi xuất khẩu trái cây sang các nước khác. Tuy nhiên, biện pháp chiếu xạ cũng không diệt trừ được 100% trứng hoặc giòi trong trái vú sữa.

    Học hỏi từ kinh nghiệm của vùng trồng vú sữa ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhà vườn trồng vú sữa ở huyện Kế Sách áp dụng bao trái bằng túi vải xốp. Tuy nhiên, việc bao trái bằng túi vải xốp, trái vẫn có nguy cơ bị đối tượng kiểm dịch nguy hiểm ruồi đục trái tấn công (tuy tỷ lệ nhiễm rất thấp), tốn nhiều công để bao trái, bao trái bằng túi vải xốp còn gặp khó khăn trong việc phân biệt, xác định được trái nào chín, trái nào còn xanh nên khâu thu hoạch tốn nhiều công sức để lựa trái đúng độ chín. Trong khi đó, biện pháp “trùm mùng” cho cây vú sữa (bao toàn vườn bằng lưới cước chuyên dùng) thì chi phí cao, ảnh hưởng đến quang hợp dẫn đến ảnh hưởng sinh trưởng của cây, vẫn còn tỷ lệ nhất định trái bị ruồi tấn công.

    Một vài nhà vườn ở Xuân Hòa thử áp dụng bao trái bằng túi nylon trong (tương tự như bao ổi mận) và ghi nhận rằng biện pháp này có các ưu điểm như trái mau lớn, nặng hơn nên cho năng suất cao hơn so với các loại túi bao trái khác; quan sát được mức độ chín của trái nên thuận lợi khi thu hoạch, không bị ruồi đục trái gây hại, chi phí thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc bao trái với túi nylon trong đó có một số hạn chế như: tốn nhiều công nếu không có công cụ hỗ trợ; trái bao bằng túi nylon trong, đang ở giai đoạn phát triển, nhanh bị nứt khi gặp mưa hoặc mực thủy cấp trong vườn cao (dư nước) nên nhà vườn chưa mạnh dạn áp dụng. Để khắc phục các nhược điểm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, nghiên cứu đặc điểm mang trái của trái vú sữa để cải tiến dụng cụ bao trái, cải thiện biện pháp canh tác, nhằm hạn chế tình trạng nứt trái khi bị dư nước.

    Theo đó, do cuống của trái vú sữa ngắn và dai nên thay vì phải cột túi bao trái bằng tay, các trái ở trên cao có thể bao bằng dụng cụ bao trái. Thời điểm bao trái khi trái vú sữa bằng trái chanh (đường kính 4-5cm).

    Dụng cụ bao trái dạng 1 (Hình 2a) gồm: (1) bộ phận bao trái là một đoạn ống nước đường kính 60 - 90mm, chiều cao 15-20mm, cắt khuyết 1 phần để khi chọn đúng vị trí bao thì kéo nhẹ ra phía sau cho túi bao trùm vào trái và dây thun sẽ cột túi bao lại; (2) cần bao trái là đoạn tre có chiều dài phù hợp với chiều cao cây, bộ phận bao trái được gắn vào đầu cần bao trái.

    Để việc bao trái nhanh hơn, sử dụng dụng cụ bao trái dạng 2 (Hình 2b), có gắn thêm 1 lò xo vào đầu cần bao; lò xo có chức năng đẩy dây thun vào đúng vị trí cột túi bao; lò xo được điều khiển bằng 1 sợi dây qua lực kéo bằng tay.

    Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng biện pháp bao trái bằng túi nylon cho thấy: trái được bao bằng túi nylon trong, có mẫu mã đẹp (bóng hơn), năng suất tăng 13,64% so với bao trái bằng túi vải xốp; quan sát được màu sắc trái để thu hoạch đúng lúc; bảo vệ khỏi bị ruồi đục trái hiệu quả 100%; chi phí thấp so với bao bằng các loại túi khác (túi nylon trong:178 đ/trái, túi vải xốp: 575 đ/trái); giảm được công lao động khi bao và khi thu hoạch trái. Trái vú sữa bao bằng túi nylon trong được người tiêu dùng trong nước và doanh nghiệp thu mua xuất khẩu chấp nhận nhờ mẫu mã đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nên giá bán cao từ 2-5 lần so với trái vú sữa không bao trái.

    Do đó, hiện nay nhà vườn yên tâm bao trái bằng túi nylon và đang được nhân rộng tại các vùng trồng vú sữa tập trung của huyện Kế Sách như: Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Trinh Phú, HTX NN Lộc Mãi, HTX NN Quyết Thắng, HTX NN Xuân Thịnh, HTX Làm vườn Phong Nẫm… với sản lượng đăng ký bao trái lên đến 500 tấn trong niên vụ 2020-2021.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 52
  • Hôm nay: 7343
  • Trong tuần: 78,050
  • Tất cả: 11,801,370